Với chất lượng giáo dục đứng đầu Châu Âu, Pháp đang ngày càng đón nhiều du học sinh trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Pháp cũng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên sang Pháp học tập và nghiên cứu. Thế nhưng, việc xin Visa du học Pháp lại là vấn đề gây ra rất nhiều lo lắng cho học sinh, sinh viên. Vậy thủ tục làm Visa dài hạn du học Pháp cần những yêu cầu gì? Để hiểu rõ về vấn đề này, mời bạn đọc bài viết dưới đây của LEAP Vietnam để biết thêm những thông tin hữu ích nhé!
Tầm quan trọng của việc xin Visa đối với du học sinh
Visa hay thị thực du học (Visa pour études/ Visa de long séjour étudiant) là loại giấy tờ do Chính phủ một quốc gia cấp thông qua Đại sứ quán hoặc lãnh sứ quán, cho phép một người nhập cảnh vào nước sở tại với mục đích học tập, tích lũy kiến thức.
Đối với du học sinh nói chung và du học sinh tại Pháp nói riêng, đây là giấy tờ bắt buộc, đảm bảo mỗi bạn có thể nhập học cũng như được phép ở lại quốc gia đủ lâu, tương ứng với thời gian học tập.
Đây là lí do chính mà bất cứ ai có dự định du học đều cần nắm vững các thông tin xoay quanh thủ tục xin thị thực. Vậy, xin Visa du học Pháp có khó không? Những điều kiện, hồ sơ và quy trình này như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết nhé!
Cập nhật điều kiện và hồ sơ xin Visa du học Pháp mới nhất
Đầu tiên, không có đáp án hoàn toàn chính xác cho câu hỏi xin Visa du học Pháp có khó không. Bởi lẽ, điều đó phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tiễn và sự chuẩn bị của từng cá nhân, bao gồm việc tìm hiểu chi tiết yêu cầu, hồ sơ xin Visa du học Pháp gồm những gì; quy trình lẫn thủ tục xin Visa du học Pháp ra sao,…
Dưới đây là những loại giấy tờ xin Visa du học Pháp bạn cần chuẩn bị:
– Tờ khai thị thực (Demande de Visa Schengen)
– Hộ chiếu
– 02 ảnh chân dung
– Giấy chứng nhận hoàn thành phỏng vấn hoặc miễn phỏng vấn
– Giấy báo nhập học từ trường tại Pháp
– Hồ sơ chứng minh tài chính
– Giấy tờ chứng minh điều kiện lưu trú (Attestation d’hébergement)
Các giấy tờ cần chuẩn bị khi nộp hồ sơ xin Visa du học Pháp
Cụ thể hơn:
Tờ khai thị thực (Demande de Visa Schengen)
Tờ khai phải được điền đầy đủ thông tin và kí tên. Bạn có thể xuất và in tờ khai sau khi điền đủ thông tin trực tuyến trên website france-visas.gouv.fr
Hộ chiếu
Yêu cầu hộ chiếu còn giá trị tối thiểu 15 tháng.
Bạn sẽ nộp Bản gốc và Bản sao hộ chiếu từ trang 1-7 (đối với hộ chiếu trắng) hoặc bản sao từ trang 1 đến hết trang có thị thực, dấu xuất nhập cảnh của tất cả các nước đã từng đi (đối với hộ chiếu từng đi nước ngoài).
02 ảnh chân dung
Ảnh này cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Ảnh được chụp từ phía trước, chụp trong vòng 6 tháng gần nhất, kích thước 3,5 x 4,5 cm.
- Ảnh màu trên nền trắng trơn (các phông màu khác không được chấp nhận), không đeo kính.
- Ảnh phải chụp rõ khuôn mặt và cổ, mặt chiếm 70 – 80% khung ảnh. Phải là ảnh gốc chưa qua chỉnh sửa.
Giấy chứng nhận hoàn thành phỏng vấn hoặc miễn phỏng vấn
Giấy này các bạn có thể tải từ tài khoản EEF sau khi phỏng vấn và kiểm tra xác thực hồ sơ tại Campus France.
Giấy báo nhập học (chính thức/tạm thời) từ trường tại Pháp
Đây chính là giấy báo trúng tuyển chương trình học (học tiếng Pháp, học cử nhân, học thạc sĩ, học tiến sĩ…) của học viên.
- Nếu bạn trúng tuyển qua hệ thống Études en France của Campus France thì giấy báo sẽ được in ra từ hồ sơ Études en France.
- Trong trường hợp không liên kết với Études en France, giấy báo nhập học tạm thời từ trường tại Pháp sẽ được gửi trực tiếp qua email cho các bạn.
Hồ sơ chứng minh tài chính
Hồ sơ chứng minh tài chính cũng thuộc nhóm giấy tờ xin Visa du học Pháp mang tính bắt buộc. Về cơ bản, bạn cần chứng minh 2 khoản là tiền học và chi phí sinh hoạt.
Trong trường hợp ứng viên từ đủ 18 tuổi, các bạn phải có giấy của ngân hàng xác nhận một khoản tiền ít nhất 615 euros/tháng lưu trú tại Pháp. Vậy nếu học tại Pháp trong 1 năm, bạn cần 7380 euros. Khoản tiền này tương đương với chi phí sinh hoạt và không bao gồm tiền học phí cho một năm học.
Và nếu ứng viên dưới 18 tuổi, số tiền cần xác nhận sẽ là 740 euros/tháng, tương ứng với 8880 euros/năm!
Như vậy, thủ tục chứng minh tài chính có thể được tổng quát như sau:
- Đối với du học sinh tại trường công, ngoài khoản tiền 7380 euros, bạn cần chứng minh thêm khả năng chi trả cho phí ghi danh (2.850 euro/năm đối với hệ Cử nhân – Licence hoặc 3.879 euro/ năm đối với hệ Thạc sĩ – Master).
- Đối với du học sinh tại trường tư, ngoài khoản tiền 7380 euros, bạn cần chứng minh thêm khả năng tài chi trả cho học phí 1 năm học tại trường.
Đặc biệt, trong trường hợp bạn có học bổng, số tiền cần chứng minh thực tế sẽ bằng tổng số tiền cần chứng minh (học phí + chi phí sinh hoạt) trừ đi số tiền học bổng nhận được. Do đó, giả sử học bổng có giá trị 7380 euros thì nó cũng chỉ đủ đáp ứng chi phí sinh hoạt, các bạn vẫn cần chứng minh tiền học.
Cụ thể hơn về hồ sơ chứng minh tài chính du học Pháp, sổ tiết kiệm được xem là phương án mà ứng viên nên cân nhắc. Trong đó, số dư tối thiểu trong sổ cần bằng số tiền cần chứng mình tài chính đã được đề cập trước đó.
Giấy tờ chứng minh điều kiện lưu trú (Attestation d’hébergement)
Các bạn xin thị thực phải cung cấp những giấy tờ liên quan, chứng minh điều kiện chỗ ở tại Pháp trong 03 tháng lưu trú đầu tiên. Một số giấy tờ như: hợp đồng thuê nhà, giấy tờ đón tiếp của chủ nhà, giấy tờ tùy thân của chủ nhà (passeport hoặc carte d’identité), giấy xác nhận của đơn vị quản lí kí túc xá, hoá đơn điện nước 3 tháng gần nhất…
Đối với các bạn dưới 18 tuổi
Vậy, đối với các bạn chưa đủ 18 tuổi, hồ sơ xin Visa du học Pháp cần bổ sung những gì?
Trước hết, đây là những trường hợp đặc biệt khi xin Visa du học Pháp, được xác định là nhóm các bạn chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm đến nước Pháp.
Theo đó, ngoài các loại giấy tờ cơ bản trên, các bạn cần có:
Giấy xác nhận của cha mẹ học viên (Autorisation Parentale)
Loại giấy tờ này chỉ yêu cầu đối với những bạn chưa đủ 18 tuổi (tính đến ngày nộp hồ sơ xin Visa du học Pháp).
Theo đó, cha/mẹ của học viên phải là người trực tiếp viết giấy này và thể hiện rõ họ đồng ý cho con mình đi du học tại Pháp, đồng thời nêu cụ thể địa chỉ con mình cư trú (kí túc xá hoặc nhà dân).
Đặc biệt, trong giấy xác nhận phải có 02 chữ ký của cha và mẹ, được nộp kèm bản sao công chứng tiếng Pháp, căn cước công dân hoặc bản sao hộ chiếu của cả cha và mẹ.
Cam kết bảo lãnh tài chính của cha mẹ/hoặc người thân và các chứng từ xác minh thu nhập của người bảo lãnh
Cam kết này đảm bảo người bảo lãnh có khả năng hỗ trợ tài chính tại Pháp cho các du học sinh trước khi các bạn đủ 18 tuổi.
Giấy xác nhận việc bảo lãnh cho các du học sinh (Engagement de Prise en charge)
Engagement de Prise en charge là một tờ đơn do người bảo lãnh trực tiếp viết và ký tên. Nó phải được nộp chung với bản sao giấy tờ tùy thân, chứng nhận nhà ở và bảng xác nhận thuế thu nhập cá nhân của người nhận bảo lãnh.
Đặc biệt, người bảo lãnh phải là công dân và đã có quốc tịch Pháp, sinh sống tại Pháp. Trường hợp là công dân nước ngoài thì cần có thẻ định cư ở Pháp.
Đồng thời, người bảo lãnh không bắt buộc phải có quan hệ họ hàng thân thiết với du học sinh, chỉ cần là một người quen với đủ khả năng chịu trách nhiệm cho du học sinh đến khi bạn ấy vừa đủ 18 tuổi.
Bên cạnh những giấy tờ đã được nhắc tên, trong một số trường hợp, bạn cũng nên chuẩn bị thêm thư giải trình (loại giấy tờ không bắt buộc) nhưng giúp nâng cao tỷ lệ hồ sơ Visa được duyệt nếu:
- Bạn đã từng bị từ chối xin thị thực.
- Điểm học tập trong một năm học bị thất hoặc bị gián đoạn quá trình học tập.
- Trong thư giải trình bạn phải nêu trung thực, khoa học và chi tiết về mục tiêu học tập tại Pháp và giải thích điểm yếu trong hồ sơ của mình.
Quy trình xin Visa du học Pháp
Tương tự như câu hỏi độ khó, xin Visa du học Pháp mất bao lâu sẽ phụ thuộc vào đặc thù của mỗi bộ hồ sơ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 10 năm hỗ trợ hàng ngàn bạn học sinh, sinh viên, LEAP Vietnam nhận thấy rằng, để có thị thực đúng với kế hoạch, chúng ta nên hoàn tất thủ tục xin Visa du học Pháp ít nhất 01 tháng trước ngày khởi hành.
Và dưới đây là quy trình cơ bản để bạn nắm vững:
Bước 1: Hoàn thành tờ khai xin thị thực trên website
Bạn hãy truy cập website france-visas.gouv.fr rồi hoàn thiện tờ khai cá nhân của mình. Ở đây, hãy lưu ý điền đúng và đầy đủ thông tin, nhất là các mục về:
- Thông tin cá nhân (họ và tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, email, nơi học tập/ làm việc ở Việt Nam…)
- Mục đích của chuyến đi Pháp và thời gian dự kiến khởi hành
- Nơi sẽ học tập và sinh sống tại Pháp
- Nguồn tài chính để sinh sống tại Pháp….
Bước 2: Đặt lịch hẹn với TLSContact
Sau khi bạn hoàn thành tờ khai cấp thị thực trên website France-Visas, bạn sẽ tiến hành đặt lịch hẹn trên website rồi nộp hồ sơ cho TLSContact (trung tâm được ủy quyền tiếp nhận toàn bộ hồ sơ thị thực của Pháp và Thụy Sĩ tại Việt Nam). Đừng quên lập tài khoản để đặt lịch hẹn nộp hồ sơ xin thị thực.
Nếu bạn không có mặt vào ngày đã hẹn, tất cả các thông tin cá nhân trên hồ sơ sẽ xóa khỏi hệ thống và bạn sẽ phải thực hiện đăng ký mới để đặt lại lịch hẹn.
Bước 3: Nộp hồ sơ xin Visa du học Pháp tại TLSContact
Khi nộp hồ sơ xin thị thực, bạn sẽ phải trả phí thị thực và phí dịch vụ tại quầy thu ngân trong trung tâm TLSContact.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo đúng yêu cầu, TLSContact sẽ chuyển hồ sơ xin thị thực của bạn lên bộ phận thị thực của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh Sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh để xét cấp thị thực.
Địa chỉ của Trung tâm TLSContact tại Việt Nam:
- Tại Hà Nội: Tầng 8, Tòa nhà Pacific Place, số 83B Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. SĐT: 024 3939 2662.
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Tòa nhà Vincom Đồng Khởi, Tầng 12A, 72 Lê Thánh Tông (hoặc 45A Lý Tự Trọng), phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM. SĐT: 024 3939 2662.
Bước 4: Xử lí hồ sơ xin Visa tại Đại sứ quán Pháp hoặc Tổng lãnh sự Pháp
Hồ sơ của bạn sẽ được duyệt bởi bộ phận thị thực của Đại sứ Quán Pháp tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự Pháp tại Hồ Chí Minh. TLSContact không đóng bất kỳ vai trò quyết định nào trong việc duyệt cấp thị thực cho bạn.
Cơ quan Đại sứ quán hoặc lãnh sự có thể yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin, các loại giấy tờ hoặc tham sự phỏng vấn. Trong trường hợp này, các bạn sẽ được email hoặc gọi điện với đầy đủ thông tin hướng dẫn.
Bước 5: Theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ
Bạn có thể theo dõi tình trạng xứ lý hồ sơ xin Visa du học Pháp bất cứ lúc nào bằng cách đăng nhập tài khoản cá nhân trên web TLSContact.
Bước 6: Nhận kết quả Visa trong hộ chiếu
Sau khi nhận được email hoặc tin nhắn xác nhận đến nhận lại hộ chiếu, bạn có thể đến nhận tại TLSContact hoặc đăng ký gửi chuyển phát nhanh kết quả xét Visa về nhà.
Nếu bạn muốn ủy quyền cho người khác đến nhận hộ chiếu, vui lòng chuẩn bị:
- Bản sao chứng minh thư nhân dân của học viên.
- Danh mục hồ sơ
- Thư ủy quyền của bạn được xác thực bởi chính quyền địa phương hoặc phòng công chứng.
- Bản gốc và bản sao chứng minh thư nhân dân của người được ủy quyền.
Bước 7: Xác nhận Visa VLS-TS trực tuyến sau khi tới Pháp
Ngay sau khi đến Pháp, bạn cần phải tiến hành xác nhận Visa của mình đã được cấp ở Việt Nam. Visa của bạn cần được xác nhận trong vòng 3 tháng sau khi bạn đặt chân đến Pháp.
Bạn cần chuẩn bị những thông tin sau để xác nhận Visa VLS – TS:
- Có địa chỉ thư điện tử (mail) đang hoạt động.
- Thông tin có trên Visa của bạn.
- Thông báo ngày tới Pháp.
- Thẻ ngân hàng để thanh toán trực tuyến tiền thuế cấp thẻ lưu trú (xem cách thức thanh toán trên cổng thông tin).
Các bước để xác nhận thị thực trực tuyến như sau:
- Kết nối vào trang https://administration-etrangers-en-france.interieur.gouv.fr/particuliers/
- Điền các thông tin trên Visa của bạn: sổ Visa, ngày bắt đầu và hết hạn, ngày cấp, loại hình lưu trú.
- Điền các thông tin bổ sung: tình trạng hôn nhân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử.
- Cung cấp ngày bạn đến Pháp và địa chỉ của bạn tại Pháp.
- Thanh toán tiền thuế cấp thẻ lưu trú.
- Tải về xác nhận Visa VLS – TS của bạn. Bạn có thể tải về sau đó đăng nhập vào tài khoản cá nhận hoặc tải về email xác nhận đã gửi cho bạn.
Bây giờ, Visa của bạn đã được xác nhận có giá trị tương đương thẻ cư trú.
Lưu ý rằng, việc xác nhận Visa VLS – TS của bạn là bắt buộc trong vòng 3 tháng từ ngày đặt chân đến nước Pháp. Điều này cho phép bạn ở lãnh thổ quốc gia này một cách hợp pháp theo thời gian trên Visa.
Ngoài ra, trong vòng 3 tháng sau khi đến Pháp, bạn có thể tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và trong khu vực Schengen mà không cần xác nhận Visa VLS – TS. Sau thời gian đó, nếu bạn vẫn chưa xác nhận Visa VLS – TS thì phải xin một Visa mới để quay trở lại Pháp.
Tổng kết
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về Visa du học Pháp mà phụ huynh và học sinh, sinh viên cần biết để đảm bảo thủ tục quan trọng này.
Nếu các bạn gặp khó khăn trong việc xin thị thực hoặc có câu hỏi nào liên quan, hãy liên hệ với LEAP Vietnam theo form cuối bài viết để được tư vấn và hỗ trợ nhé!
Chúc bạn sớm hiện thực hóa ước mơ du Pháp của bản thân!
LEAP Vietnam luôn lắng nghe và trả lời mọi câu hỏi của các bạn
Click vào đây để nghe chia sẻ của các bậc phụ huynh học sinh và các bạn thí sinh tiêu biểu
📝Điền thông tin vào form để LEAP Vietnam hỗ trợ bạn tốt nhất
----------------------------------------
👩🏻💻Người phụ trách: Cô Aurore Phạm
☎️Điện thoại: 085 810 8111
🌐Website: www.leapvietnam.com
📧 Email: info@leapvietnam.com
➖Facebook: LEAPAdmissions
➖Youtube: LEAPVietnam
➖Instagram: @leapvietnam
➖Tiktok: @leap.vietnam
📍Văn phòng: Tầng 3, toà nhà Belvedere 28A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội