Để có thể ôn thi hiệu quả và làm bài thi lấy chứng chỉ TCF đạt kết quả cao, đòi hỏi các thí sinh cần có một chiến lược ôn thi và phương pháp làm bài thi cụ thể. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên hữu ích, giúp bạn có thể ôn thi và làm bài thi lấy chứng chỉ TCF hiệu quả.
I. Lời Khuyên Chung Cho Bài Thi TCF
Trước Kỳ Thi
Trước khi kỳ thi TCF diễn ra, các thí sinh cần lưu ý những điểm sau:
- Chú ý đến lịch thi, địa điểm thi TCF và thời hạn đăng ký để tránh bị phạt do đăng ký muộn.
- Đọc kỹ hướng dẫn của đơn vị tổ chức thi (thông báo triệu tập qua mail) về: Cách thức thi (trên máy tính hay trên giấy), trình tự thi của các học phần, thời gian thi của từng học phần, những giấy tờ cần thiết, những đồ vật – dụng cụ được phép mang vào phòng thi.
- Thực hiện việc ôn thi thường xuyên với các bài thi thử, bài tập bổ trợ, có kế hoạch ôn tập rõ ràng. Bạn có thể đăng ký tham gia vào các khóa luyện thi TCF tại các trung tâm tiếng Pháp uy tín để được hệ thống lại kiến thức và chữa chi tiết các đề thi thử sát nhất với cấu trúc đề thi thật.
Trong Kỳ Thi
- Đến điểm thi sớm và mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết để được phép vào phòng thi.
- Thí sinh lưu ý đọc thật kỹ yêu cầu của đề bài.
- Hãy trả lời hết tất cả các câu hỏi, không được bỏ trống. Đối với các câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh chỉ được phép chọn 1 đáp án đúng duy nhất. Nếu bỏ trống câu trả lời, chọn nhiều hơn 1 câu trả lời đều được coi là không hợp lệ và thí sinh sẽ không có điểm.
- Quản lý và phân bổ thời gian hợp lý để làm các phần thi (đặc biệt trong phần thi viết).
- Tuân thủ quy chế thi (không quay bài, hỏi bài).
- Kiểm tra thật kỹ đề thi xem có bị lỗi không để kịp thời yêu cầu giám thị xử lý.
II. Lời Khuyên Cho Phần Thi Nghe Hiểu (Compréhension Orale)
Đối với phần thi Nghe hiểu, khi bắt đầu mỗi câu hỏi, thí sinh sẽ nghe thấy 1 đoạn tín hiệu thông báo. Có rất nhiều dạng câu hỏi khác nhau (ví dụ: Chọn phương án đúng nhất với hình cho trước, cả câu hỏi và các lựa chọn đều nằm trong tài liệu nghe, v.v.), vì thế việc luyện trước các dạng câu hỏi trong phần thi này là rất quan trọng, giúp bạn không bị bỡ ngỡ khi làm đề thi thật.
- Độ khó của bài nghe trong phần này sẽ tăng dần với các chủ đề khác nhau.
- Trong quá trình làm phần nghe hiểu, các tài liệu âm thanh sẽ được tự động chạy, bạn cần nghe hết từng câu rồi trả lời.
- Mỗi câu chỉ được nghe 1 lần, bạn không có quyền can thiệp (yêu cầu nghe lại hay dừng bài nghe). Các câu hỏi sẽ được đưa ra ngay sau khi bài nghe của mỗi câu kết thúc. Theo đó các câu hỏi sẽ không được ghi cụ thể trong bài, đòi hỏi bạn phải nghe và bắt từ thật kỹ thì mới nghe được câu hỏi.
Trước Kỳ Thi
- Luyện nghe thường xuyên trên các website luyện thi với các dạng đề thi sát với đề thi thực.
- Luyện nghe các câu hỏi với 1 lần nghe duy nhất.
- Chuẩn bị sẵn nháp và sẵn sàng chép nhanh lại tất cả các từ khóa hay các ý nghe được, từ đó phán đoán và đưa ra câu trả lời.
- Luyện khả năng ghi nhớ thông tin nghe được với mỗi bài nghe, so sánh đối chiếu với các bản ghi bằng chữ (Transcription) để xem cách phát âm và cách viết của các từ nghe được.
- Luyện kỹ năng tưởng tượng tình huống thông qua các bài nghe: Trả lời các câu hỏi cơ bản như (Có bao nhiêu người trong hội thoại? Ai đang nói chuyện với ai? Để làm gì? Trong bối cảnh nào?).
Trong Bài Thi
Đối với những dạng câu hỏi kiểu "Hãy nghe đoạn tài liệu sau và câu hỏi", các bạn lưu ý đọc trước và phán đoán nghĩa của các phương án ghi trong đề trước khi tiến hành nghe.
III. Lời Khuyên Cho Phần Thi Đọc Hiểu (Compréhension Écrite)
Các dạng đề đưa ra trong phần thi này thường có dạng sau:
- 1 bài khóa, đoạn văn, mẩu tin ngắn cần đọc
- 1 câu hỏi đưa ra dưới bài khóa
- 4 phương án trả lời (các bạn chỉ được chọn 1 phương án đúng nhất)
Yêu cầu thường thấy trong phần thi này: "Lisez les documents. Pour chaque question, choisissez la bonne réponse et cochez une case sur la feuille de réponses." (Đọc kỹ các tài liệu đưa ra. Với mỗi 1 câu hỏi, chọn 1 phương án đúng và khoanh vào tờ phiếu trả lời).
Trước Kỳ Thi
- Luyện tập thường xuyên các bài thi thử về đọc hiểu trên các website luyện thi hay trong các sách luyện thi.
- Tập kỹ năng định vị – tìm kiếm các từ khóa chính, đọc lướt tìm ý chính, khoanh vùng nội dung cần đọc có chứa thông tin mà đầu bài yêu cầu.
- Tập thói quen phán đoán nghĩa các từ mới dựa vào bối cảnh nội dung chính của bài khóa. Bạn không nhất thiết phải biết hết từ mới hay đọc kỹ toàn bộ bài mà vẫn có thể đưa ra lựa chọn đúng dựa vào phân tích và phán đoán.
Trong Bài Thi
- Khác với phần nghe hiểu, trong phần thi đọc hiểu, bạn sẽ được chủ động về thời gian. Do đó, cần quản lý và phân bổ thời gian hợp lý cho phần thi này. Nếu bạn do dự quá lâu để đưa ra câu trả lời, hãy đánh dấu lại và chuyển ngay sang các câu hỏi khác, nếu còn thời gian sẽ quay lại làm kỹ hơn, còn không hãy chọn phương án mà bạn băn khoăn đắn đo nhất.
- Đọc kỹ câu hỏi và các phương án trả lời trước khi đọc bài khóa. Tuyệt đối không để trống câu trả lời.
IV. Lời Khuyên Cho Phần Thi Cấu Trúc Ngôn Ngữ (Maîtrise des structures de la Langue)
Đối với phần Làm chủ cấu trúc ngôn ngữ, các câu hỏi sẽ tập trung xoay quanh các chủ điểm ngữ pháp và từ vựng. Cả phần câu hỏi và các phương án đều được ghi rất rõ trong bài thi. Thí sinh sẽ phải đưa ra phương án đúng nhất.
Độ khó của câu hỏi cũng sẽ sắp xếp tuân theo trình tự. Do vậy các câu hỏi ban đầu sẽ luôn dễ hơn các câu hỏi sau. Các bạn lưu ý đọc kỹ đề bài và cẩn thận chọn đáp án đúng với các câu hỏi dễ.
Để chuẩn bị tốt cho phần thi này, thí sinh cần hệ thống lại các chủ điểm ngữ pháp căn bản thường đưa ra trong đề thi TCF và thường xuyên làm các bài thi thử để cọ xát, làm quen.
Các Chủ Điểm Ngữ Pháp Hay Được Đưa Vào Bài Thi TCF:
Chủ điểm ngữ pháp | Chủ điểm ngữ pháp | Chủ điểm ngữ pháp |
---|---|---|
Les Articles | Les mots interrogatifs | Le genre, le nombre des noms/adjectifs |
Les adjectifs possessifs | Les pronoms relatifs | Les marqueurs de temps |
Le passif | Les expressions de but | L'opposition et la concession |
La cause et la conséquence | L'hypothèse | Le futur simple |
L'imparfait | Le plus-que-parfait | Les pronoms COD-COI |
Les pronoms toniques | Les comparaisons | Les pronoms démonstratifs |
Le gérondif | Le conditionnel présent/passé | Le subjonctif |
Le discours rapporté | Les prépositions | Le futur antérieur |
Le passé composé/ passé simple | Les adverbes | Les relations logiques |
V. Lời Khuyên Cho Phần Thi Viết (Expression Écrite)
Phần thi viết bao gồm 3 bài (Tâche 1, 2, 3) với thời gian làm bài 60 phút:
- Bài 1 (60 đến 120 từ) – Trình độ A2
- Bài 2 (120 đến 150 từ) – Trình độ B1
- Bài 3 (120 đến 180 từ) – Trình độ B2
Lưu Ý Quan Trọng Khi Làm Phần Thi Viết:
- Bài làm phải đảm bảo không bị tẩy xóa và phải dễ đọc.
- Cần phải hoàn thành tối thiểu 2 bài để có điểm.
- Đảm bảo viết đủ số từ quy định, và phải viết đúng đề.
- Bạn phải làm các bài viết theo trình tự (bài 1 sẽ là bài dễ nhất, bài 3 sẽ là bài khó nhất).
- Bạn phải làm đủ 3 bài nếu muốn đạt trình độ B2 trở lên.
- Viết các câu đơn giản, rõ ràng, không sai ngữ pháp, chính tả.
- Đọc lại bài ít nhất 1 lần để soát lỗi.
Trên đây là những lời khuyên bổ ích giúp các bạn chuẩn bị ôn thi và làm bài thi TCF hiệu quả. Chúc các bạn ôn luyện thật tốt và đạt được kết quả cao trong các kỳ thi TCF sắp tới.
LEAP Vietnam luôn lắng nghe và trả lời mọi câu hỏi của các bạn
Click vào đây để nghe chia sẻ của các bậc phụ huynh học sinh và các bạn thí sinh tiêu biểu
📝Điền thông tin vào form để LEAP Vietnam hỗ trợ bạn tốt nhất
----------------------------------------
👩🏻💻Người phụ trách: Cô Aurore Phạm
☎️Hotline: 085 810 8111
🌐Website: www.leapvietnam.com
📧 Email: info@leapvietnam.com
➖Facebook: LEAPAdmissions
➖Youtube: LEAPVietnam
➖Instagram: @leapvietnam
📍Văn phòng: Tầng 3, toà nhà Belvedere 28A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội